Vẻ đẹp Cúc Phương- sức hấp dẫn du khách
Vườn quốc gia Cúc Phương - nơi còn lưu giữ được một hệ sinh thái với quần thể động, thực vật vô cùng phong phú và đa dạng, với những giá trị văn hóa lịch sử, độc đáo của cộng đồng người Mường bản địa, cùng cảnh quan thiên nhiên hùng vỹ. Nhờ đó, từ lâu Cúc Phương là điểm đến nổi tiếng được du khách trong nước và quốc tế lựa chọn.
Mùa bướm Cúc Phương
Vườn quốc gia Cúc Phương được thành lập năm 1962, là Vườn đầu tiên trong hệ thống các Vườn quốc gia (VQG) và Khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam. Trong suốt quá trình thành lập và phát triển VQG Cúc Phương, người dân xã Cúc Phương nói riêng và đồng bào các xã giáp ranh nói chung luôn sát cánh cùng VQG Cúc Phương để bảo vệ rừng, bảo vệ "kho báu" của tổ quốc, gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa bản địa. Cộng đồng các dân tộc 14 xã vùng đệm rừng Cúc Phương có đến 86% là đồng bào dân tộc Mường, với nét văn hóa mang đậm bản sắc, gắn liền với nền văn hóa Hòa Bình ra đời cách đây hàng ngàn năm.
Việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên gắn kết chặt chẽ với bảo tồn những giá trị văn hóa bản địa đặc sắc đó chính là những yếu tố tạo nên sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Nhờ thế mà Cúc Phương tiếp tục xứng đáng với danh hiệu "Vườn quốc gia hàng đầu châu á" hai năm liền (2019, 2020) do World Travel Awards (Giải thưởng du lịch Thế giới) bình chọn.
Đồng chí Nguyễn Văn Chính, Giám đốc VQG Cúc Phương cho biết: Chào mừng các sự kiện chính trị, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, Năm Du lịch Quốc gia 2021, ngay từ đầu năm, Vườn đã tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng. Cụ thể, ngay đầu xuân là khai mạc Tuần lễ "Cúc Phương đại ngàn" với nhiều hoạt động sôi nổi thu hút đông đảo đồng bào các xã vùng giáp ranh và du khác. Như, nghi thức truyền thống "dựng cây nêu đón Tết" theo phong tục người Mường bản địa. Khai trương mô hình mê cung "Kỳ thú Cúc Phương" - với diện tích gần 3.000m2, được làm bằng vật liệu tự nhiên (tre, luồng…) hoặc tận dụng các vật liệu tái chế, thân thiện.
Mê cung lấy cảm hứng từ mô hình một "Con Bướm" - dấu ấn "đặc trưng" hiện hữu ở thiên nhiên Cúc Phương. Đây được xem là mô hình "Con Bướm" kỷ lục của Việt Nam, với diện tích lên đến 1.800 m2 quy tụ các trò chơi dân gian độc đáo, mang bản sắc dân tộc, như: ném Còn, đu Tiên, bập bênh, cà kheo… Cùng với đó, là hoạt động gói gần 500 chiếc bánh chưng làm quà Tết, tặng các trạm kiểm lâm Cúc Phương và một số gia đình chính sách và hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã Cúc Phương. Hay, cùng khởi bút "Cây ước nguyện" - bày tỏ ước nguyện, lời chúc hoặc lời cam kết với rừng già Cúc Phương. Hành trình khám phá mê cung trong Tuần lễ "Cúc Phương đại ngàn" du khách được mãn nhãn bởi nghệ thuật trang trí, nghệ thuật sắp đặt, ấn tượng, truyền tải vẻ đẹp thiên nhiên Cúc Phương.
Hơn thế nữa, cũng trong dịp này, gần 100 họa sĩ chuyên và không chuyên của nhóm "Ký họa di sản đô thị Hà Nội" tổ chức sáng tác ký họa cộng đồng với tên gọi "Cúc Phương - Vạn sắc màu - Một tình yêu". Đã có 108 bức ký họa thiên nhiên về hàng trăm các loài động, thực vật và một bức phong cảnh nói lên sự đa dạng sinh học của rừng đại ngàn, cùng với thông điệp giữ gìn môi trường nhân loại, và việc chung tay bảo vệ rừng Cúc Phương - bảo vệ mẹ thiên nhiên quý giá cho nhân loại. Toàn bộ các tác phẩm đầy ý nghĩa được nhóm "Ký họa di sản đô thị Hà Nội" trao tặng cho Vườn quốc gia Cúc Phương sử dụng, phục vụ cho hoạt động giáo dục môi trường, góp phần nâng cao nhận thức bảo tồn thiên nhiên trong công chúng.
Những ngày này, VQG Cúc Phương đang chuẩn bị cho Giải chạy Cúc Phương Jungle Paths. Đây là giải chạy quốc tế, xuyên rừng dự kiến được tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2021. Với ý nghĩa hoạt động, chạy gây quỹ để triển khai dự án "Khu trò chơi giáo dục thiên nhiên", nên đã có gần 3.000 vận động viên (chuyên nghiệp, tự do), trong đó có 100 vận động viên quốc tế và du khách đăng ký tham dự. Giải sẽ khai mạc vào cuối tháng 5 trong khuôn viên hồ Mạc. Đến nay, ban tổ chức đang tuyển chọn tình nguyện viên, chuyên gia trong nước và quốc tế thiết lập đường chạy và phối hợp với các bên có liên quan hoàn thiện các điều kiện chuyên môn giải yêu cầu…
Toàn cảnh mê cung "Cúc Phương kì thú"
Anh Đỗ Hồng Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục môi trường và Dịch vụ (VQG Cúc Phương) cho biết: Hưởng ứng Năm Du lịch Quốc gia 2021 do tỉnh Ninh Bình đăng cai, VQG Cúc Phương tăng cường công tác truyền thông, quảng bá, marketing. Đối với công tác truyền thông, chúng tôi đang dần hình thành cơ sở dữ liệu chung về mọi lĩnh vực hoạt động: quản lý, bảo vệ rừng; nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế; giáo dục môi trường và dịch vụ du lịch.
Để bắt kịp với xu thế thời đại, VQG đang thay đổi dần phương thức truyền thông trên nền tảng số, phát triển một trang web riêng về công tác giáo dục môi trường du lịch, khởi tạo, quản trị và phát triển nội dung trên nền tảng Youtube, Facebook, Zalo, xây dựng hàng chục video, bài viết, hình ảnh về các chủ đề liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của Vườn, đặc biệt là công tác khai thác du lịch sinh thái thông qua quảng bá tiềm năng, giá trị và các sản phẩm du lịch của Vườn.
Cùng với công tác truyền thông, VQG đã xây dựng hình thành tour, củng cố các tuyến tham quan, đưa các sản phẩm du lịch mới vào vận hành. Cụ thể như: những du khách ưu thích "Khám phá kỳ quan hang động, hệ Kart độc đáo", thì có tuyến chèo lên đỉnh "Mây bạc" - nóc nhà Cúc Phương, ghé thăm Động Người Xưa và động con Moong - nơi phát hiện các di chỉ khảo cổ của người tiền sử, hoặc nhiều hang động kỳ thú khác như động Sơn cung, động Tình Yêu, động Phò mã giáng, hang Ngân hàng - nơi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sử dụng để lưu trữ tiền tệ trong thời kỳ chiến tranh.
Những du khách ưa vận động di chuyển, chọn tuyến đi bộ xuyên rừng, vượt qua, những dốc đá, những cây đại thụ ngàn năm tham quan các bản làng Mường sinh sống quanh vùng đệm của Vườn quốc gia. Tuyến ngủ lại bản Mường, du khách sẽ có buổi tối tìm hiểu nét văn hóa bản địa, chương trình văn nghệ dân tộc, thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng cùng men rượu nồng của dân tộc Mường,…sẽ đưa du khách chìm vào giấc ngủ êm đềm trên ngôi nhà sàn truyền thống.
Còn những du khách yêu thích động vật hoang dã thì có tuyến tìm hiểu công tác cứu hộ, bảo tồn, chăm sóc các loài linh trưởng quý hiếm; các loài rùa cạn và rùa nước ngọt; các loài hươu, nai, chim; các loài thú ăn thịt và tê tê. Yêu thích lịch sử văn hóa có tuyến tham quan đình Quèn lá, đình Mống - di tích lịch sử, nơi thành lập Đại Đoàn đồng bằng.
Đặc biệt là gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam, VQG đã đưa vào "vận hành" sản phẩm du lịch sinh thái độc đáo mang tên "Tour về nhà". Du khách được trải nghiệm tái thả động vật hoang dã sau cứu hộ - hành động mang ý nghĩa nhân văn, đã và đang thu hút đông đảo du khách đăng ký tham gia.
Tháng tư, tháng năm cũng là thời điểm đẹp nhất trong năm khi về với rừng đại ngàn Cúc Phương. Bởi, đây là giai đoạn bướm thôi ngủ đông, chợt tỉnh giấc sau những cơn mưa, hàng vạn vạn con bướm đủ màu sắc đồng loạt bay ra đón những tia nắng đầu mùa hạ. Chúng thoải thê thêu dệt lên những cành cây, đám lá, quấy quyện lên tóc, lên vai các du khách. Đến chiều tối, du khách lại được chiêm ngưỡng không gian đẹp ảo diệu, đầy mê bởi hàng triệu con đom đóm thi nhau khoe sắc, nhảy múa...
Mang trong mình vẻ đẹp nguyên sơ, hùng vĩ mà mẹ thiên nhiên ban tặng, vẻ đẹp Cúc Phương có sức hấp dẫn mời gọi khách du lịch. Nhờ đó, hàng năm, Vườn quốc gia Cúc Phương đón từ 100 đến 120 nghìn lượt du khách, học sinh, sinh viên các nhà khoa học tới du lịch, học tập nghiên cứu.
Cúc Phương tự hào là một trong những Vườn quốc gia có truyền thống và thành tích hàng đầu trong khối các Vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam, phấn đấu giữ vững danh hiệu "Vườn quốc gia hàng đầu châu á" đã được Giải thưởng du lịch Thế giới trao tặng.
(Theo Minh Đường - Báo Ninh Bình)
Các tin tức khác
- CHÚC MỪNG NGÀY LÂM NGHIỆP VIỆT NAM (28/11/2023)
- Thư chúc mừng của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhân kỷ niệm 78 năm Ngày Truyền thống Ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (14/11/1945 - 14/11/2023)
- Vườn quốc gia Cúc Phương thông báo về việc áp dụng biên lai điện tử
- Vườn quốc gia Cúc Phương chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày phụ nữ Việt Nam
- Vườn quốc gia Cúc Phương cứu hộ an toàn 2 mẹ con tê tê
- Vườn quốc gia Cúc Phương cứu hộ an toàn 1 cá thể mèo rừng
- Vườn quốc gia Cúc Phương lần thứ 5 vinh dự nhận giải thưởng danh giá “VƯỜN QUỐC GIA HÀNG ĐẦU CHÂU Á”
- VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG Tổ chức Hội nghị đối thoại với người lao động trong toàn Vườn.
- Vườn quốc gia Cúc Phương thông báo Tuyển dụng Lao động hợp đồng
- VƯỜN QUỐC GIA CÚC PHƯƠNG TỔ CHỨC LỄ KỶ NIỆM 50 NĂM NGÀY THÀNH LẬP LỰC LƯỢNG KIỂM LÂM VIỆT NAM (21/5/1973 - 21/5/2023)
- Vườn quốc gia Cúc Phương tiếp tục cứu hộ an toàn 01 cá thể tê tê quý hiếm và tiến hành tái thả nhiều động vật hoang dã về tự nhiên.
- Bộ trưởng Bộ Môi trường, Thực phẩm và Các vấn đề nông thôn Vương quốc Anh tham quan Vườn quốc gia Cúc Phương
- Hơn 2.500 người về Cúc Phương tham gia 'Chạy để bảo tồn'
- Công ty TNHH Samsung SDI Việt Nam “Thêm Xanh Cho Cánh Rừng Già”
- THÔNG BÁO VỀ TỔ CHỨC GIẢI CHẠY NĂM 2023
- Cúc Phương cứu hộ thành công 01 cá thể tê tê cùng nhiều động vật khác từ Quảng Nam
- UpRace 2022: Mục tiêu 3 Triệu km chạy vì động vật hoang dã – Run4Wildlife
- THÔNG BÁO Của Ban Tổ chức Cuộc thi viết về Vườn quốc gia Cúc Phương 60 năm xây dựng và phát triển
- Hội Hình nhện học châu Á tổ chức Hội thảo tại Vườn quốc gia Cúc Phương
- VQG Cúc Phương cứu hộ thành công 2 cá thể cầy vằn bắc cực quý hiếm
- Tập huấn công tác Quản lý bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và du lịch sinh thái bền vững
- Vào độ trẩy hội Cúc Phương đại ngàn
- THÔNG BÁO Về Lễ hội và phương án giao thông từ ngày 29/4/2022 đến hết ngày 01/5/2022 tại Vườn quốc gia Cúc Phương
- Vườn Quốc gia Cúc Phương tái thả 12 cá thể tê tê Java
- Vườn quốc gia Cúc Phương mở cửa đón khách ngoại tỉnh kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2022
- Cúc Phương: Thành công tổ chức Hội nghị Công chức, Viên chức và Người lao động năm 2022
- Cứu hộ số lượng lớn động vật hoang dã nhóm nguy cấp, quý hiếm
- Những giọt nước mắt xúc động tại Chương trình “Hành Trình Hồi Sinh”
- Vườn quốc gia Cúc Phương tổng kết thực hiện Quy chế phối hợp bảo vệ rừng
- Vườn quốc gia Cúc Phương mở cửa trở lại đón khách tham quan