Thứ sáu, Tháng 3 29, 2024
Vietnamese-VN
   
Text Size

Chuyển giao hai loài rùa quý hiếm cho Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương Kết quả của việc nâng cao nhận thức bảo tồn từ trang mạng xã hội Facebook

Ngày 17/06/2013, Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương (TCC) vui mừng tiếp nhận ba cá thể rùa quý hiếm từ một bạn trẻ tại Hà Nội, người đã tìm hiểu về những nỗ lực bảo tồn các loài rùa của TCC đăng trên trang Facebook của Trung tâm.

Facebook là trang mạng xã hội đang phát triển rộng rãi và khá phổ biến ở châu Á, chỉ riêng Việt Nam đã có trên 12 triệu người sử dụng. Do đó, Facebook cũng mang tới cơ hội cho các tổ chức về bảo tồn và phát triển như Chương trình bảo tồn rùa châu Á (ATP) và Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương đến gần hơn với cộng đồng nhằm tăng cường nâng cao nhận thức bảo tồn các loài động vật hoang dã. Đặc biệt, khi có nhiều người đang sử dụng mạng xã hội này như một phương thức quảng cáo và buôn bán động vật hoang dã, thì việc hiểu biết và nhận thức rõ ràng về bảo tồn là điều rất cần thiết đối với những người dùng facebook.

 

 

Kết quả truyền thông qua phương tiện mạng xã hội đã mang lại những tín hiệu tích cực, với ba cá thể rùa quý hiếm được anh Nguyễn Hồng Quang, một thanh niên 22 tuổi tại Hà Nội trao tặng Trung tâm bảo tồn rùa thay vì tìm kiếm tài liệu hướng dẫn cách chăm sóc rùa như dự định ban đầu. Năm ngoái, một người bạn của Quang mua hai cá thể rùa đất Speng-lơ (Geoemyda spengleri) và một cá thể rùa sa nhân (Cuora mouhotii) ở khu vực Chùa Hương, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, cả hai đều là loài quý hiếm và Nguy cấp (theo Danh sách đỏ của Liên minh bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN), 2012). Khi được hỏi tại sao Quang quyết định chuyển giao tới Trung tâm, anh cho biết: “Tôi chăm sóc số rùa này từ khi bạn tôi chuyển đi nơi khác và tặng lại cho tôi. Tôi giữ chúng trong nhà, chăm sóc cho ăn bằng cà chua và giun đất, nhưng không có chuồng trại riêng cho rùa. Mặc dù rất thích nuôi, nhưng thực sự tôi không biết cách chăm sóc chúng. Do đó, tôi đã lên mạng tìm kiếm thông tin và tìm thấy Facebook của Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương, ngay lập tức tôi nghĩ đây là nơi lý tưởng cho rùa của mình vì những nhân viên của Trung tâm sẽ biết cách chăm sóc chúng một cách tốt nhất”.

Ngay chiều ngày 17/06/2013, cô Katherine Morgan, bác sỹ thú y tình nguyện của TCC đã tiếp nhận số rùa trên từ Hà Nội và đưa về Cúc Phương. Ba cá thể rùa được kiểm tra sức khỏe, theo dõi và chăm sóc nghiêm ngặt trước khi được đưa vào nuôi cùng với những cá thể rùa khỏe mạnh khác trong Trung tâm. Ông Bùi Đăng Phong, cán bộ quản lý Trung tâm đã hết sức vui mừng khi đón nhận những chú rùa này. Ông Phong cho biết “Chúng tôi rất bất ngờ khi nhận được thông tin của Quang trên Facebook, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc nâng cao nhận thức bảo tồn các loài rùa trên trang mạng xã hội lại mang đến một kết quả khả quan và tốt đẹp như vậy. Tôi hi vọng rằng thành công của câu chuyện này sẽ khích lệ những người khác chuyển giao rùa nuôi của họ cho Trung tâm trong thời gian tới. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là chúng ta cần cân nhắc kỹ trước khi mua động vật hoang dã vì chúng thuộc về tự nhiên, nhiều loài trong số chúng rất khó nuôi và được Pháp luật bảo vệ”.

Ngày 20 tháng 6 năm 2013

Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP) và Trung tâm bảo tồn rùa Cúc Phương (TCC)

Các tin tức khác

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterThis month65130
mod_vvisit_counterLast month73261
mod_vvisit_counterAll days6462727

Copyrights ® 2011 by CUCPHUONG NATIONAL PARK.
Designed by GlobalLink Software Solutions.