Thứ năm, Tháng 12 19, 2024
Vietnamese-VN
   
Text Size

Đề tài, dự án bảo tồn

 Đề tài: Bảo tồn gà lôi trắng tại Cúc Phương

Cơ quan quản lý: Sở KH&CN Ninh Bình.

Cơ quan chủ trì: Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật.

Thời gian thực hiện: 24 tháng (5/2015-5/2017)

I. MỤC TIÊU.

1.1. Mục tiêu tổng quát:

- Bảo tồn an toàn nguồn gen gà Lôi trắng làm cơ sở cho việc khai thác và sử dụng để phát triển kinh tế trước mắt và lâu dài.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

- Xác định được hiện trạng nguồn gen gà Lôi trắng.

- Đáng giá chi tiết một số đặc điểm sinh học gà Lôi trắng trong điều kiện nuôi nhốt.

- Bảo tồn lưu giữ gà Lôi trắng được 200 cá thể, trong đó có 50 cá thể gà sinh sản và 150 cá thể gà con và hậu bị.

II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU.

Nội dung 1: Điều tra khảo sát hiện trạng nguồn gen gà Lôi trắng.

- Điều tra về số lượng quần thể, cấu trúc đàn, sự phân bố và điều kiện sinh cảnh ưa thích ở ngoài tự nhiên.

Nội dung 2: Đánh giá chi tiết nguồn gen gà Lôi trắng.

- Sưu tậpgà Lôi trắng, số lượng 20 cá thể (24 tháng tuổi, trong đó có 10 con trống và 10 con mái).

- Xác định được các đặc điểm về ngoại hình của gà ở các giai đoạn: Gà con, gà dò, hậu bị và sinh sản.

- Đánh giá khả năng sinh trưởng của gà ở các giai đoạn: 1, 4, 8, 12, 16, 20, 24 tuần tuổi và trưởng thành.

- Đánh giá khả năng sinh sản: Tập tính sinh sản, mùa sinh sản hàng năm, tỷ lệ ghép đôi, sản lượng trứng/mái/năm.

- Khảo sát về thành phần, chất lượng của trứng và thịt.

- Đánh giá tỷ lệ ấp nở nhân tạo.

- Đánh giá khả năng kháng bệnh.

- Xác định được tiêu chuẩn giống gà Lôi trắng được bảo tồn.

Nội dung 3: Xác định phương thức chăn nuôi gà Lôi trắng.

- Xác định chế độ ăn thích hợp cho gà trong giai đoạn sinh sản.

- Đánh giá hiệu quả việc xử dụng vắc xin Lasota, Newcatson chịu nhiệt để phòng bệnh cho gà trong điều kiện nuôi nhốt.

III.KẾT QUẢ.

Kết quả bước đầu năm thứ nhất thực hiện:

- Đã tiến hành lập và điều tra số lượng gà Lôi trắng tại rừng đặc dụng Cúc Phương được 20 tuyến, số cá thể gà lôi phát hiện được là 86 cá thể, mật độ TB1.3 con/ha, điều kiện sinhn cảnh thường gặp (41.5 % là rừng thứ sinh, 58.5% là trảng cỏ, cây bụi).

- Đã sưu tập được 20 gà lôi trắng 24 tháng tuổi, trong đó có 10 trống và 10 mái đủ tiêu chuẩn làm giống, đàn gà được nuôi nhốt tại trại gà giống Cúc Phương, bước đầu thích nghi tốt trong điều kiện nuôi nhốt.

- Bước đầu đã xác định được một số đặc điểm ngoại hình của gà Lôi trắng từ giai đoạn sơ sinh cho tới 24 tuần tuổi.

- Gà Lôi trắng mới sinh có trọng lượng tương đối nhỏ, trung bình đạt 35 gram/con, tuy nhiên đến gia đoạn 24 tuần tuổi trọng lượng gà đã đạt TB 397 gram/con. Đàn gà theo dõi sinh trưởng và phát triển tốt.

- Gà Lôi mái đẻ trung bình 9 quả/mái/năm, Tỷ lệ có phôi 84.1%, tỷ lệ con sơ sinh khi ấp bắng mấy ấp công nghiệp đạt 75.5%, tỷ lệ khoẻ mạnh 92.5%. Mùa sinh sản của gà lôi trắng được ghi nhận bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 4 dương lịch hàng năm. Thời gian ấp trứng kéo dài từ 23-24 ngày.

- Gà có khả năng kháng bệnh cao, việc sử dụng vắc xin lasota và vắc xin newcatson phòng bệnh cho gà Lôi trắng bước đầu cho hiệu quả nhất định, qua theo dõi chưa thấy xuất hiện bệnh gà rù trên đàn gà nuôi nhốt tại Cúc Phương.

Bác sỹ thú y: Hoàng Xuân Thủy

ĐT: 0915 635 615 - Email:  Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

 Galoi11 galoi21 Galoi31 Galoi41

Đề tài: Khai thác và phát triển gà rừng tai đỏ tại Cúc Phương

-Cơ quan quản lý: Bộ Khoa học và Công nghệ.

-Thời gian thực hiện: 48 tháng, từ (1/2014- 12/2017).

I. MỤC TIÊU: 

- Tạo được đàn hạt nhân gà rừng tai đỏ với quy mô 200 mái.

- Tạo được đàn sản xuất gà rừng tai đỏ với quy mô 300 mái.

- Tạo được đàn thương phẩm gà rừng tai đỏ với quy mô 500 con.

- Xác định được quy trình chọn đàn hạt nhân, chăm sóc nuôi dưỡng và thú y phòng trị bệnh gà rưng tai đỏ.

- Dự thảo được tiêu chuẩn cơ sở đàn hạt nhân, đàn sản xuất và đàn thương phẩm gà rừng tai đỏ.


II. NỘI DUNG NGHIÊN CỨU.

Nội dung 1: Điều tra bổ sung, đánh giá hiện trạng về tình hình chăn nuôi gà rừng tai đỏ.

Điều tra tình hình chăn nuôi, cơ cấu đàn giống, phương thức chăn nuôi, khả năng sản xuất, tình hình dịch bệnh .v.v. của giống gà rừng tai đỏ tại Ninh Bình thông qua phiếu điều tra.

Nội dung 2: Nghiên cứu chọn lọc, xây dựng đàn hạt nhân gà rừng tai đỏ

1. Phân tích ADN gà rừng tai đỏ.

Phân tích ADN của giống gà rừng tai đỏ để làm sáng tỏ thêm đặc điểm sinh học của giống gà rừng tai đỏ.

2. Nghiên cứu chọn lọc đàn hạt nhân gà rừng tai đỏ.

- Xây dựng tiêu chuẩn đàn hạt nhân gà rừng tai đỏ

+ Đặc điểm ngoại hình

+ Khả năng sản xuất của đàn hạt nhân gà rừng tai đỏ

- Chọn lọc đàn hạt nhân gà rừng tai đỏ với quy mô 200 mái.

- Nghiên cứu xây dựng quy trình chọn lọc đàn hạt nhân gà rừng tai đỏ.

Nội dung 3: Nghiên cứu xây dựng đàn sản xuất gà rừng tai đỏ.

- Xây dựng tiêu chuẩn đàn sản xuất gà rừng tai đỏ

+ Đặc điểm ngoại hình

+ Khả năng sản xuất của đàn sản xuất gà rừng tai đỏ.

- Xây dựng đàn sản xuất gà rừng tai đỏ với quy mô 300 mái.

Nội dung 4: Nghiên cứu xây dựng quy trình chăn nuôi gà rừng tai đỏ.

4.1. Nghiên cứu xây dựng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng gà rừng tai đỏ.

- Nghiên cứu xác định phương thức nuôi thích hợp gà rừng tai đỏ sinh sản.

- Nghiên cứu xác định mức Protein thích hợp trong khẩu phần nuôi gà rừng tai đỏ sinh sản.

- Nghiên cứu xác định mức năng lượng thích hợp trong khẩu phần gà rừng tai đỏ sinh sản.

- Nghiên cứu xác định phương thức nuôi thích hợp gà rừng tai đỏ thương phẩm.

- Nghiên cứu xác định mức Protein thích hợp trong khẩu phần gà rừng tai đỏ thương phẩm.

- Nghiên cứu xác định mức năng lượng thích hợp trong khẩu phần nuôi gà rừng tai đỏ thương phẩm.

- Xây dựng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng gà rừng tai đỏ sinh sản.

- Xây dựng quy trình chăm sóc nuôi dưỡng gà rừng tai đỏ thương phẩm.

4.2. Nghiên cứu xây dựng quy trình thú y trong chăn nuôi gà rừng tai đỏ. 

- Ứng dụng các quy định thú y trong chăn nuôi: vệ sinh tiêu độc, sát trùng, khử trùng, tiêm phòng .v.v.

- Xác định một số bệnh thường gặp trên gà rừng tai đỏ.

- Xây dựng quy trình thú y phòng bệnh trong chăn nuôi gà rừng tai đỏ sinh sản.

- Xây dựng quy trình thú y phòng bệnh trong chăn nuôi gà rừng tai đỏ thương phẩm.

Nội dung 5: Xây dựng đàn gà rừng tai đỏ thương phẩm.

+ Xây dựng tiêu chuẩn đàn gà rừng tai đỏ thương phẩm.

+ Xây dựng đàn gà rừng tai đỏ thương phẩm với quy mô 500 con.

III. KẾT QUẢ: 

Kết quả bước đầu thực hiện từ (1/2014-12/2015).

- Đã tiến hành điều tra và đánh giá được hiện trạng nguồn gen gà rừng tai đỏ đang được chăn nuôi tại các xã vùng cao huyện Nho Quan.

- Đã tiến hành lấy 100 mẫu máu để xét nghiệm ADN,để đánh giá khoảng cách di truyền với các giống gà nội khác. Kết quả cho thấy gà rừng tai đỏ đang bảo tồn tại Vườn quốc gia Cúc Phương là giống gà thuần chủng và là tổ tiên của các giống gà nội đang được chăn nuôi tại Việt nam.

- Đã xây dựng được tiêu chuẩn chọn lọc đàn gà rừng tai đỏ hạt nhân có các đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống. Năng suất trứng 23-26 quả/mái/năm. Tỷ lệ trứng có phôi 75-80%.Tỷ lệ nở/ phôi 90-95%. Đã tiến hành chọn lọc được đàn giống hạt nhân quy mô 200 mái sinh sản và xây dựng được Quy trình chọn lọc đàn gà rừng tai đỏ nhạt nhân.

- Đã xây dựng được tiêu chuẩn chọn lọc đàn gà rừng tai đỏ sản xuất có các đặc điểm ngoại hình đặc trưng của giống. Năng suất trứng 21-24 quả/mái/năm. Tỷ lệ trứng có phôi 72-75%.Tỷ lệ nở/ phôi 88-92%. Đã tiến hành chọn lọc được đàn giống sản xuất quy mô 300 mái sinh sản và xây dựng được Quy trình chọn lọc đàn gà rừng tai đỏ sản xuất.

- Đã tiến hành xây dựng được Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng gà Tai đỏ sinh sản.

- Quy mô con giống khai thác năm 2015: Độ tuổi 1 tháng đạt 5000 cá thể. Các độ tuổi khác từ 5-12 tháng đạt trên dưới 1000 cá thể.

Bác sỹ thú y: Hoàng Xuân Thủy.

ĐT 0915 635 615 - Email:  Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

                 Garung11 Garung21

Dự án nông thôn miền núi về hươu sao tại Cúc Phương

- Cơ quan quản lý: Bộ Khoa học và Công nghệ. UBND tỉnh Ninh Bình.

- Cơ quan chủ trì: Vườn quốc gia Cúc Phương.

- Thời gian thực hiện: 2013-2014.

I. MỤC TIÊU DỰ ÁN.

 1.1. Mục tiêu chung:

        - Ứng dụng thành công tiến bộ kỹ thuật chăn nuôi hươu sao sinh sản góp phần tăng thu nhập cho người chăn nuôi.

1.2. Mục tiêu cụ thể:

- Đào tạo được 6 cán bộ kỹ thuật và 100 người dân nắm vững được các kiến thức cơ bản trong chăn nuôi hươu sinh sản.

 - Xây dựng được mô hình chăn nuôi hươu sao sinh sản, mô hình trồng cây thức ăn và mô hình sử lý chất thải với quy mô: 35 hươu giống bố mẹ (10 đực và 25 cái), 3 ha cây thức ăn thô xanh (1.5 ha cây cỏ voi và 1.5 ha cây keo dậu) và 5 bể biogas.

II. NỘI DUNG DỰ ÁN.

2.1. Các nội dung dự án cần giải quyết.

- Chuyển giao và tiếp nhận các quy trình công nghệ về chăn nuôi hươu sao, trồng cây thức ăn thô xanh và sử lý chất thải.

- Đào tạo kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn kỹ thuật cho người dân.

- Xây dựng các mô hình: Chăn nuôi hươu sao sinh sản, trồng cây thức ăn thô xanh và sử lý chất thải trong chăn nuôi.

2.2. Mô tả nội dung và các bước thực hiện.

- Khảo sát, lựa chọn công nghệ, đơn vị và cá nhân chuyển giao công nghệ.

- Xây dựng đề cương, thuyết minh dự án được phê duyệt.

- Chuẩn bị cơ sở vật chất, lựa chọn nhân lực để thực hiện dự án.

- Tiến hành cử cán bộ đi học tập các quy trình công nghệ chuyển giao.

- Tổ chức sản suất, tiếp nhận công nghệ và tiếp tục đào tạo nâng cao tay nghề cho đội ngũ kỹ thuật viên. Theo dõi thu thập số liệu trong quá trình sản suất và xây dựng các mô hình.

- Đào tạo tấp huấn mở rộng, tổ chức thăm quan học tập cho người dân trong vùng thực hiện dự án.

- Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện.

III. KẾT QUẢ DỰ ÁN.

3.1. Điều tra khảo sát thực trạng vùng thực hiện dự án. 

- Thuận lợi: Từ kết quả điều tra cho thấy lực lượng lao động chính trên địa bàn xã tương đối dồi dào trên 50 % so với tổng dân số. Diện tích đất canh tác nông nghiệp tương đối lớn trên dưới 500 ha. Chủng loại gia súc gia cầm trong cơ cấuvật nuôi tương đối đa dạng, trong đó có những loài cho giá trị kinh tế cao, như: Dê núi và hươu sao... đây là điều kiện thuận lợi để Cúc Phương đột phá tự giải quyết nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ và sản phẩm hàng hoá phục vụ cho tiêu thụ nội địa cũng như làm nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến.

- Hạn chế: Việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản suất trồng trọt cũng như chăn nuôi còn nhiều hạn chế, cho nên năng suất cây trồng vật nuôi trên một đơn vị diện tích đất canh tác còn thấp, cũng như chưa khai thác triệt để các tiềm năng về đất đai, nhân lực. Chính vì thế, tỷ lệ hộ đói nghèo năm 2013 vẫn còn 11.02%. Do đó, điều mấu chốt nhằm tạo năng lực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi góp phần nâng cao mức sống cho người dân là phải có các giải pháp cụ thể và phù hợp giúp người dân tiếp cận được với khoa học và kỹ thuật, giúp họ hiểu và áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật vào sản suất.

3.2. Công tác chuyển giao công nghệ.

- Quy trình chọn giống hươu sao được phổ biến và chuyển giao phù hợp với điều kiện thực tiễn sản suất của địa phương và yêu cầu của dự án. Ngoài các tiêu chuẩn về ngoại hình và khả năng sản suất đạt tiêu chuẩn cấp (1) theo quy định, thì yếu tố rõ ràng về hệ phả lý lịch và kiểm dịch trước khi tiếp nhận là rất quan trọng và đây cũng là các nội dung được hướng dẫn và chuyển giao trực tiếp cho các hộ chăn nuôi.

- Quy trình chăm sóc nuôi dưỡng hươu sao đã được chuyển giao, phù hợp với thực tế trong chăn nuôi hươu sao tại khu vực vùng cao xã Cúc Phương, là một trong những quy trình mang tính khoa học cao, được xây dựng theo chế độ chăm sóc nuôi dưỡng hươu đực, hươu cái giống và hươu con, có sự cân đối khẩu phần các loại thức ăn qua các giai đoạn được ứng dụng trực tiếp vào mô hình chăn nuôi. Quy trình đã được các hộ tham gia mô hình áp dụng đúng kỹ thuật, hươu đực giống cho tỷ lệ thụ thai đạt 100%, hươu cái giống có tỷ lệ sinh sản 100% và hươu con nhanh lớn tăng trọng đều.

- Quy trình thu hoạch, bảo quản và chế biến nhung hươu đã được biên soạn ngắn gọn và dễ hiểu, thông qua tập huấn các hộ tham gia dự án và người chăn nuôi trong vùng thực hiện dự án đã áp dụng tốt trong thực tế khai thác, chế biến và bảo quản nhung. Nhung hươu được theo dõi và thu hoạch đúng thời gian qua đó chất lượng nhung được đảm bảo và tiêu thụ được dễ ràng.

- Quy trình kỹ thuật phòng và điều trị bệnh hươu sao. Thông qua công tác chuyển giao, người dân đã kịp thời phát hiện, xác định được các triệu chứng lâm sàng, nguyên nhân gây bệnh và thông tin nhanh tới cán bộ phụ trách kỹ thuật để có giải pháp điều trị kịp thời, qua đó đàn hươu sao được chăn nuôi trên địa bàn trong và ngoài mô hình giảm đáng kể tỷ lệ tử vong.

- Quy trình trồng cây thức ăn thô xanh. Hướng dẫn tìm hiểu về các đặc tính sinh vật, sinh thái học của các loài cây: Cỏ voi, cây keo dậu. Kỹ thuật làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Qua đó người dân đã áp dụng tốt các quy trình trồng cỏ voi và cây keo dậu cho năng suất cao, biết khai thác và chế biến hợp lý thức ăn thô xanh và đã chủ động được nguồn thức ăn thô xanh cho hươu sao quanh năm.

- Quy trình sử lý chất thải. Hưỡng dẫn phương pháp thu gom chất thải trong chăn nuôi, phương pháp xây dựng, vận hành bể biogas. Quy trình đã được các cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp và chuyển giao cho các hộ tham gia mô hình, vì vậy các bước của quy trình đã được người chăn nuôi tiếp thu rất hiệu quả và áp dụng tốt trong thực tế sản suất, góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi.

3.3. Công tác đào tạo kỹ thuật viên cơ sở và tập huấn.

a) Đào tạo đội ngũ kỹ thuật viên: Dự án đã lựa chọn 6 người là nhân viên của Trung tâm cứu hộ bảo tồn và phát triển sinh vật, đây là các kỹ thuật viên trực tiếp tham gia vào thực hiện các khâu nội dung của dự án. Công tác đào tạo được xây dựng hợp lý, phương thức chuyển giao phù hợp với điều kiện của địa phương, thời gian học tập lý thuyết là 8 ngày, thời gian thực hành là 2 ngày.

Nội dung đào tạo bao gồm:

- Các đặc điểm sinh học cơ bản của hươu sao.

- Các tiêu chuẩn về đặc điểm ngoại hình trong công tác chọn giống.

- Vấn đề đồng huyết trong chăn nuôi.

- Dinh dưỡng thức ăn và các phương thức ăn chăn nuôi chăm sóc.
- Thu hoạch chế biến và bảo quản nhung hươu.

- Các giống cây trồng làm thức ăn chăn nuôi phổ biến hiện nay.

- Các kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hoạch cây cỏ voi, cây keo dậu.

- Chất thải trong chăn nuôi và phương pháp xây dựng, vận hành bể biogas.

Thông qua việc truyền đạt có chọn lọc, hình thức tổ chức sinh động do vậy học viên tiếp thu tốt. Qua đó đã cung cấp được những kiến thức cơ bản, có tính nền tảng giúp cho người học có được những hiểu biết thiết thực để tự thực hiện việc chăn nuôi sản suất hiệu quả hơn.

b)Tập huấn kỹ thuật và tổ chức thăm quan học tập.

- Dự án đã lựa chọn 100 người nông dân trong đó có các chủ hộ tham gia dự án và cả các chủ hộ không tham gia dự án trên địa bàn. Đã mở được 2 lớp đào tạo tập huấn và 2 đợt thăm quan học tập các mô hình chăn nuôi hươu sao tại huyện Hương Sơn - Nghệ An trong thời gian 4 ngày.

Nội dung hướng dẫn bao gồm:

- Hướng dẫn và triển khai đến người nông dân các nội dung cơ bản về quy trình chọn giống, chăn nuôi, khai thác nhung, trồng cỏ và sử lý chất thải trong chăn nuôi hươu sao.

- Tổ chức hội nghị đầu bờ để đánh giá rút kinh nghiệm cho các mô hình chăn nuôi.

3.4. Xây dựng các mô hình.

3.4.1. Mô hình chăn nuôi hươu sao sinh sản.

a) Kết quả: 

- Việc áp dụng các tiện bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi hươu sao sinh sản một cách bài bản, đã mang lại một số kết quả nhất định, đàn hươu sao giống sinh trưởng và phát triển tốt. Hươu đực cho thời gian khai thác nhung tập chung từ tháng 11 năm trước cho tới tháng 1 năm sau, sản lượng đạt 13.5 kg, nhung to mập và đều được các chủ hộ bán dưới dạng tươi. Hươu cái sinh sản được 37 con và 100 % đều đạt tiêu chuẩn giống về ngoại hình cũng như khối lượng sơ sinh.

b) Đánh giá:

- Mô hình chăn nuôi hươu sao sinh sản được áp dụng trên địa bàn xã Cúc Phương tuy với quy mô còn khiêm tốn, chỉ có 5 hộ gia đình đủ các tiểu chuẩn về diện tích đất canh tác, nhân lực và điều kiện chuồng trại để tham gia mô hình.

- Tuy nhiên với các giải pháp kỹ thuật đồng bộ từ khâu tập huấn kỹ thuật, chọn lọc được các con giống đạt chất lượng và có hệ phả rõ ràng, kết hợp với việc thực hiện nghiêm túc các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất về thức ăn, vệ sinh phòng bệnh... đến nay có thể nói rằng mô hình bước đầu gặt hái được các kết quả thiết thực.

- Các sản phẩm, như: Hươu giống sinh sản được 1con/lứa/năm, nhung hươu 0.9kg/con/năm, đạt vượt mức kế hoạch đề ra (105.7-112.5%). So sánh với chăn nuôi theo phương pháp truyền thống nhung hươu chỉ đạt trung bình 0.51 kg/con/năm và tỷ lệ sinh sản là 65.2% (theo số liệu điều tra năm 2013). Đây thực sự là một mô hình điểm và cũng là nơi có thể tiến hành tổ chức thăm quan học tập để nhân rộng.

3.4.2.Mô hình trồng cây thức ăn.

a) Kết quả: 

- Sau khi triển khai tập huấn, xác định địa điểm và diện tích đến nay toàn bộ mô hình đã được triển khai gieo trồng theo đúng kế hoạch, gồm 2 đợt:

+ Đợt một trồng được 0.5 ha cây cỏ voi và 0.5 ha cây keo dậu.
+ Đợt hai trồng được 1 ha cỏ voi và 1 ha cây keo dậu.

- Do phần lớn diện tích trồng cỏ trong mô hình có thời gian trồng và khai thác từ 1-2 năm trong chu kỳ khai thác từ 5-6 năm vì vậy chưa đánh giá được chính xáchiệu quả của mô hình thông qua sản lượng năng suất/ ha diện tích gieo trồng.

- Tuy nhiên, giống cỏ voi và cây keo dậu trong mô hình sinh trưởng, phát triển rất tốt đạt trung bình 135 tấn/ha/năm và 55 tấn/ha/năm, theo nhận xét của các chuyên gia cũng như kinh nghiệm của người dân địa phương thì mô hình rất có triển vọng.

b) Đánh giá:

- Mặc dù, thời gian trồng các giống cây cỏ voi và keo dậu đến nay mới chỉ được gần 2 năm, nhưng với khả năng sinh trưởng và điều kiện thâm canh chăm sóc theo đúng quy trình hướng dẫn, cho phép bước đầu khẳng định mô hình sẽ cho kết quả tốt.

- Việc đưa giống cây cỏ voi và cây keo dậu làm nhân tố cây trồng dài ngày để sản suất thức ăn thô xanh cho hươu sao tại xã Cúc Phương là một hướng đi đột phá, đã phát huy được hiệu quả thiết thực, qua đó giúp người chăn nuôi hươu chủ động được nguồn thức ăn, đặc biệt trong những tháng mùa Đông khô hanh.

3.4.3.Mô hình sử lý chất thải trong chăn nuôi.

a) Kết quả: 

- Mô hình sử lý chất thải trong chăn nuôi hươu đến nay đã triển khai và trang bị được 5 bể biogas cho 5 hộ gia đình, đây cũng là các hộ đang tham gia triển khai mô hình chăn nuôi hươu sao sinh sản trên địa bàn xã Cúc Phương.

- Với lượng thức ăn thô xanh đầu vào từ 10-15 kg/ hươu trưởng thành và 6-8 kg/ hươu con trên dưới 1 năm tuổi, trong quá trình chăn nuôi lượng chất thải chủ yếu là phân hươu được ước tính trên dưới 2 kg/con/ ngày của 35 hươu bố mẹ và 37 hươu con thải ra, mô hình đã thu gom được khoảng 52.560 kg/năm.

- Với 65 % chất thải được sử lý, chỉ số nén đồng hồ khí đo được trung bình đạt số 12, đây là chỉ số áp suất cao nhất của bếp khí gas, với lượng khí này đủ dùng làm chất đốt cho sinh hoạt hàng ngày của các hộ tham gia dự án (theo tính toán mỗi gia đình sử dụng hết trung bình 1 bình gas 12 kg/tháng với giá 300.000 đ/bình). Như vậy với 5 gia đình tham gia dự án sẽ tiết kiệm được số tiền là 18.000.000 đ/năm. Còn 35% chất thải khác không sử lý được qua bể biogas được ủ bằng phương pháp sinh học compost để làm phân bón cho cây trồng đạt 18.396 kg/năm.

b) Đánh giá:

- Sử lý chất thải trong chăn nuôi là một quá trình thu gom, sử lý, tái sử dụng chất thải thành nguồn năng lượng tái tạo (khí sinh học và phân bón hữu cơ). Trong chăn nuôi nói đến sử lý chất thải là nói đến việc sử lý phân, nước tiểu và nước rửa chuồng bằng các công nghệ khác nhau, quy mô khác nhau, tuỳ thuộc vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương, từng vùng.

- Tuy nhiên việc lựa chọn giải pháp sử lý chất thải trong chăn nuôi hươu sao tại xã Cúc Phương với quy mô vừa phải 10 m3/bể, đã hạn chế được nhiều các chi phí phát sinh, thời gian triển khai mô hình nhanh.

- Việc vận hành bể khí mới thực hiện được trên dưới 1 năm, songhiệu quả mà nó mang lại thì rất thiết thực, vấn đề ô nhiễm không khí cơ bản đã được giải quyết hoàn toàn, nguồn khí sinh học thu được dùng làm chất đốt và thắp sáng đã góp phần làm tăng thu nhập của người dân.

IV. KẾT LUẬN.

Được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN, Sở KH&CN tỉnh Ninh Bình và các cơ quan phối hợp chuyển giao công nghệ, sau 2 năm thực hiện, dự án đã đạt và vượt mục tiêu đề ra, cụ thể như sau:

- Xây dựng thành công mô hình chăn nuôi hươu sao sinh sản: 35 hươu bố mẹ và 37 hươu con trên dưới 1 năm tuổi, sinh trưởng và phát triển tốt phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng vùng cao Cúc Phương

- Xây dựng được mô hình trồng cây thức ăn thô xanh, diện tích 3 ha trong đó có 1.5 ha cỏ voi và 1.5 ha cây keo dậu, góp phần hoàn toàn chủ động được nguồn thức ăn cho hươu sao, đặc biệt là các tháng mùa Đông khô hanh.

- Triển khai được mô hình sử lỹ chất thải với quy mô 5 bể biogas (1 bể/hộ chăn nuôi hươu) qua đó, cơ bản chất thải trong chăn nuôi hươu đã được sử lý triệt để, góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường.

- Đã đào tạo được 6 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở và 100 người nông dân hiểu biết được các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới nhất trong chăn nuôi hươu sao.

- Đã tiếp nhận và áp dụng tốt 6 quy trình công nghệ về chọn giống, chăn nuôi, thu hoạch nhung, phòng trị bệnh, trồng cây thức ăn thô xanh và sử lý chất thải trong chăn nuôi.

- Qua việc triển khai mô hình với những kết quả rõ rệt trong việc nâng cao đời sống nhân dân, cho thấy vai trò quan trọng có tính quyết định của kỹ thuật mới và chuyển giao kỹ thuật đó vào trực tiếp sản suất.

- Về vùng nông thôn xã Cúc Phương, qua dự án này đã có chuyển dịch tích cực hơn, mở ra khả năng nâng cao hiệu quả sản suất, nhất là sản suất trong ngành chăn nuôi hươu theo hướng thâm canh. Dự án đã được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhân dân ở hầu khắp địa bàn, cho thấy người nông dân luôn sẵn lòng tiếp thu cái mới, nhất là trong việc chọn giống và các giải pháp chăn nuôi, miễn sao các biện pháp đó phải thật ngắn gọn và dễ hiểu.

Bác sỹ thú y: Hoàng Xuân Thủy.

ĐT: 0915 635 615 Email:  Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Huou11 Huou21 Huou31

mod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_countermod_vvisit_counter
mod_vvisit_counterThis month194933
mod_vvisit_counterLast month371383
mod_vvisit_counterAll days8326762

Copyrights ® 2011 by CUCPHUONG NATIONAL PARK.
Designed by GlobalLink Software Solutions.